Người Hà Nội xưa thưởng trà

Văn hóa uống trà của người Việt không cầu kỳ như người Trung Quốc, cũng không nhuốm màu tôn giáo như người Nhật Bản mà luôn lấy tự nhiên làm gốc. Đặc biệt với người Hà Nội, thưởng trà là sự tìm về những tinh túy của trời đất được kết tinh trong từng lá trà, giọt nước.

Thưởng trà – tinh hoa đất Hà thành  
Thưởng trà – tinh hoa đất Hà thành  

Là trái tim của đất nước nên trong quá trình giao lưu và hội nhập, Hà Nội luôn là điểm đi tiên phong để đón nhận những giá trị văn hóa, những bước chuyển mình mạnh mẽ nhất. Người Hà Nội tài hoa, thanh lịch trong từng cử chỉ và lời nói. Nét tinh tế được thể hiện trong lối sống, trong từng sản phẩm làm ra. Những thức quà Hà Nội dù mộc mạc, nhỏ bé nhưng chất chứa nhiều tâm huyết và thể hiện được sự tỉ mỉ không thể trộn lẫn, ít nơi nào có thể sánh được.

Hà Nội không phải là vùng đất trồng trà nhưng lại là nơi đánh dấu, là điểm nhấn để khẳng định sự tồn tại và phát triển của nền văn hóa trà Việt. Nơi đây là địa điểm giao thương và buôn bán những sản vật quý của từng địa phương, nơi hội tụ những mặt hàng có giá trị và tinh tế nhất. Và trà cũng là một trong những sản phẩm được người Hà Nội xưa rất ưa chuộng, nâng niu.

Theo sử sách ghi lại, hình thức uống trà được khởi nguồn từ các chùa chiền. Việc thưởng trà gắn liền với đạo Phật của người Việt, các nhà sư thường thưởng trà vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tỉnh táo và giữ tâm trí thanh tịnh. Hình thức thưởng trà này đã được nâng lên thành nghi lễ Thiền Trà. Từ chùa chiền, hình thức thưởng trà nhanh chóng được ưa chuộng ở nơi cung đình trong suốt thời kỳ phong kiến. Chỉ có những người thuộc tầng lớp vua quan, quý tộc quyền quý mới thưởng thức trà theo những hình thức cầu kỳ, còn người dân bình thường chỉ uống chè tươi.

Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội xưa rất tinh tế và độc đáo. Điều này được thể hiện qua quá trình chuẩn bị nguyên liệu, không gian và tâm thế thưởng trà, cho đến quá trình pha chế, thưởng thức cũng mang dáng dấp thanh lịch của người Hà thành.

Người Hà Nội xưa chuẩn bị cho mỗi buổi thưởng trà, thường cầu kỳ và cẩn trọng. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu, trà cụ cho tới không gian và tâm thế thưởng trà, tất cả đều được chuẩn bị một cách chu đáo. Cho dù đó là việc pha trà mời khách hay chỉ là pha trà cho riêng bản thân mình tự thưởng thức.

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng chia sẻ, người Hà Nội xưa rất tinh tế, điều này được thể hiện qua quá trình chuẩn bị nguyên liệu, không gian và tâm thế thưởng trà, cho đến quá trình pha chế, thưởng thức cũng mang dáng dấp thanh lịch của người Hà thành. Trong mỗi ấm trà, người ta thấy phảng phất một mùi thơ và một vị triết lý. Các trà nhân từ xưa rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ (dụng cụ pha trà) cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư.

Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội xưa rất tinh tế  
Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội xưa rất tinh tế  

Người sành trà Hà Nội xưa thường ưa chuộng loại trà mộc, tức là loại trà không tẩm ướp bất kỳ thứ hương hoa nào. Để có chén trà ngon, nhiều người Hà Nội không ngại xa xôi đã lên tận những vùng trồng chè nổi tiếng như: Thái Nguyên, Phú Thọ… chọn loại chè ngon nhất để tự tay sao chế bằng những phương pháp công phu.

Có nhiều gia đình Hà Nội xưa thích uống trà ướp sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc, trà sói… đặc biệt là trà sen. Nhắc đến nghệ thuật trà Hà Nội không thể không nhắc đến nghệ thuật tẩm ướp trà sen. Trà sen hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, bông sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng là quý, ướp trà ngon nhất. Để có 1 cân trà sen, phải dùng tới 1.000-1.200 bông sen Tây Hồ ướp cùng trà đinh Thái Nguyên mới thành. Ngoài ra, người Hà Nội xưa còn có những cách tẩm ướp trà với các loại hương hoa quý khác, như hoa ngâu, hoa nhài, hoa sói, hoa thủy tiên, hoa cúc,… Tất cả những loại trà đó đều có hương vị đặc trưng riêng và phù hợp với từng tâm thế khác nhau của người thưởng trà. Tuy trà ướp hương có những cái ngon đặc biệt của nó, nhưng các cổ nhân sành trà đất Thăng Long xưa thì bao giờ cũng chuộng trà đơn thuần (trà mộc) hơn hết.

Trà cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nhân từ xưa tới nay. Nổi bật trong đó không thể không nhắc tới Nguyễn Tuân, một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, cũng là một người con Hà Nội. Tập truyện “Vang bóng một thời” khiến người đọc ấn tượng với thú uống trà tuyệt kỹ của lão ăn mày trong tác phẩm “Những chiếc ấm đất”. Thú uống trà, cách pha trà và các loại trà cụ được miêu tả sinh động, thể hiện được vẻ đẹp hoàn mỹ của tâm hồn cùng nghệ thuật thưởng trà cầu kỳ mặc cho hoàn cảnh khốc liệt.

Có thể nói, đối với người Hà Nội, thưởng trà là sự tìm về những tinh túy của trời đất. Sự cầu kỳ của nghệ thuật ướp trà, sự tỉ mỉ của nghệ thuật pha trà, sự thanh tao trong nghệ thuật thưởng trà… Tất cả phối hợp hoàn hảo với nhau để tạo nên nét văn hóa thưởng trà đặc biệt của người Hà Nội xưa.

Hoài Anh