Hà Nội đề xuất làm đường “cao tốc ngầm” dưới sông Tô Lịch cho dân đi miễn phí: Liệu có khả thi?

Hà Nội đề xuất làm đường "cao tốc ngầm" dưới sông Tô Lịch

Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE cùng Tổng thầu Nhật Bản vừa đề xuất lập quy hoạch hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc chạy dọc sông Tô Lịch. 

Theo đại diện JVE Group, Dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản, không phải dự án BOT, do đó người dân được dùng miễn phí.

Không phải dự án BOT

Dự án được đề xuất với mong muốn giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô Hà Nội, bao gồm: Ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão. Theo đó, Công ty JVE đề xuất về dự định xây dựng một hệ thống cao tốc ngầm được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy.

Hình ảnh toàn tuyến hầm ngầm khổng lồ chống ngập dọc Công viên Tô Lịch.
Hình ảnh toàn tuyến hầm ngầm khổng lồ chống ngập dọc Công viên Tô Lịch.

Tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Vành đai 3 – Võ Chí Công – sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công – đường Vành Đai 3 – Linh Đàm. Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80km/h và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp.

Dự án đi vào khai thác sẽ giảm tải lưu lượng xe ôtô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc và sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của chặng đường Vành đai 3 trên cao – Võ Chí Công trong giờ cao điểm từ 45 phút xuống còn khoảng 15 phút cũng như góp phần làm giảm lưu lượng ôtô đi trên trục đường hiện nay.

Mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch. Mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch.

Theo thiết kế, bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô, bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2.

Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Dự kiến độ sâu trên 30m và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dòng chảy hiện có.

Mô hình mặt cắt mô phỏng hệ thống hầm ngầm “2 trong 1”.
Mô hình mặt cắt mô phỏng hệ thống hầm ngầm “2 trong 1”.

Theo Chủ tịch Công ty JVE – ông Nguyễn Tuấn Anh, sau dự án tài trợ miễn phí xử lý mùi bãi rác Nam Sơn thành công, ngày 16.2.2021 vừa qua, JVE Group đã gửi văn bản báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch” và tài trợ miễn phí lập Quy hoạch “Công viên Lịch sử Văn hóa Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản. Dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản nên dự án này không phải dự án BOT, vì vậy không tổ chức thu phí cao tốc ngầm mà người dân sẽ được sử dụng miễn phí khi đi qua cao tốc ngầm nội đô đặc biệt này.

Mô phỏng xử lý sự cố trong đường hầm
Mô phỏng xử lý sự cố trong đường hầm

>>> Xem thêm: Hà Nội: Loạt chung cư cũ trên “đất vàng” Kim Liên, Khương Thượng sắp được xây mới

Mức đầu tư cao hơn nhiều lần so với đường trên cao

Theo Ths-KS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4 (Bộ Xây dựng) – vấn đề này không mới, hiện Malaysia đã làm một đường hầm dưới sông. Việc làm đường cao tốc ngầm dưới lòng sông với 3 mục đích chính là giảm ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông và thoát lũ. Nhưng đây là một dự án rất tốn kém, vì việc xây dựng đường hầm đòi hỏi công nghệ tiên tiến với mức đầu tư sẽ cao hơn nhiều lần so với đường bộ và đường trên cao.

Cùng với đó, việc thực hiện các dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm phải theo quy hoạch. Nhưng đến thời điểm hiện tại, quy hoạch về giao thông của Hà Nội đã có các đường vành đai, trục hướng tâm nhưng chưa có trong quy hoạch dự án này. Do đó, về mặt pháp lý là chưa thể thực hiện được. Muốn thực hiện phải điều chỉnh quy hoạch chung và phải được Hội đồng Nhân dân thông qua từ quy hoạch chi tiết đến quy hoạch tổng thể chung. Cùng đó là chi phí và lợi ích trước khi thực hiện dự án thì các đường xung quanh sẽ thay đổi như thế nào, kết nối ra sao và sẽ giảm tải phương tiện giao thông trên mặt đất…

Phối cảnh lối vào tầng dưới cao tốc ngầm (hướng đi vành đai 3 - Linh Đàm).
Phối cảnh lối vào tầng dưới cao tốc ngầm (hướng đi vành đai 3 – Linh Đàm).
Phối cảnh lối ra Nguyễn Khánh Toàn (tầng dưới)
Phối cảnh lối ra Nguyễn Khánh Toàn (tầng dưới)

Mô hình “2 trong 1” thu nước từ trên sông vào máng thu dọc một bên sông, rồi chảy qua giếng thu xuống hầm ngầm và kết hợp cao tốc ngầm.Mô hình “2 trong 1” thu nước từ trên sông vào máng thu dọc một bên sông, rồi chảy qua giếng thu xuống hầm ngầm và kết hợp cao tốc ngầm.

Hệ thống màn hình tại trung tâm điều khiển hệ thống chống ngập.
Hệ thống màn hình tại trung tâm điều khiển hệ thống chống ngập.

Theo các chuyên gia, nếu đầu tư dự án này với công nghệ lớn thì phải đầu tư số vốn rất lớn. Trong khi đó, trục đường Láng hiện chưa phải là rốn thoát lũ, nên hiệu quả sẽ không cao và chưa cần thiết. Do đó, cần phải đánh giá lại toàn bộ hồ và các sông thoát nước của Hà Nội trước khi xây dựng dự án. Đây là dự án giải quyết 3 bài toán là giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thoát lũ, nhưng tuyến này chưa cần thiết vì vấn đề thoát lũ và giao thông tại khu vực này đang ổn định.

Theo PGS-TS Bùi Thị An (nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng), đối với sông Tô Lịch hiện nay vấn đề quan trọng nhất là xử lý môi trường nguồn nước và môi trường của Thủ đô. Việc úng ngập cũng liên quan đến môi trường, nhưng trong trường hợp này có nhiều mục tiêu trong một dự án là rất khó thực hiện cả về mặt tài chính và công nghệ. Nếu kết hợp được sẽ giảm đi các chi phí, nhưng hiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này. Dù các chuyên gia Nhật Bản luôn có những ý kiến táo bạo nhưng trước khi quyết định thực hiện dự án cần phải tính toán cụ thể, chi tiết và đánh giá toàn bộ tác động của dự án đến xã hội và tác động tự nhiên của Hà Nội.

Theo Lao Động